Bạn có một đường truyền băng thông lớn với chi phí hàng tháng cao ngất ngưỡng. Nhưng đôi khi chỉ cần vài đứa bạn đến chơi nhà rồi dùng ké Wi-Fi thôi, thì câu hỏi quen thuộc từ mấy đứa bạn dành cho bạn sẽ là “Vì sao mạng lag vậy?” Lúc này, cần trả lời sao cho ngầu nhỉ? Bạn dự định dùng kiến thức bao la bát ngát để dập tắt mấy câu hỏi ngớ ngẩn trên hay mịt mù phương hướng vì chính bạn cũng không hiểu rõ nguyên nhân. Vậy nên, TOTOLINK đem đến cho bạn cùng đám bạn chí cốt một gợi ý đơn giản đó là cùng nhau đọc bài viết “Băng thông là gì? Cách giới hạn băng thông trên Router Wi-Fi”. Bài viết sẽ cung cấp đủ cho bạn câu trả lời cho vấn đề mạng giật lag, cũng như tặng cho bạn thêm ít kiến thức để tha hồ chém gió thể hiện đẳng cấp với mấy đứa bạn luôn đó.
Băng thông là gì?
Băng thông là từ ngữ chuyên dụng được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau với ý nghĩa chung là tốc độ truyền tải dữ liệu giữa 2 điểm cố định với nhau với tốc độ tính trên 1 đơn vị thời gian.
Gần như khái niệm gốc, băng thông hay còn gọi là Bandwidth được sử dụng trong lĩnh vực mạng máy tính được định nghĩa là tốc độ truyền tải dữ liệu của một đường truyền, băng thông càng lớn, tốc độ truyền dữ liệu sẽ càng cao. Băng thông được biểu diễn dưới dạng bit với đơn vị thời gian được tính trên giây và thường được hiển thị sau các số liệu chính thức với từ viết tắt là bps. Ở thời điểm hiện tại, tốc độ truyền dẫn của mạng dữ liệu đã lên tới hàng triệu bit/s (Mbps) và tốc độ cao nhất là hàng tỷ bit/s (Gbps).
Vì sao phải giới hạn băng thông trên Router Wi-Fi?
Việc giới hạn băng thông trên Router Wi-Fi là vô cùng quan trọng nếu như người dùng muốn đảm bảo tất cả các hoạt động diễn ra trên Internet được ổn định. Các vấn đề về băng thông sẽ không xuất hiện rõ ràng nếu như hệ thống mạng của bạn có số lượng người truy cập ít. Nhưng trong một hệ thống mạng nếu có quá nhiều lượng truy cập và lượng truy cập này sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng thông cao thì việc nghẽn mạng sẽ thực sự xảy ra. Hậu quả của việc nghẽn mạng rất dễ để chúng ta hình dung, đó là tất cả các thiết bị kết nối vào mạng sẽ không thể sử dụng Internet dù tín hiệu Wi-Fi báo full sóng.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, bạn có một thiết bị mạng đáp ứng được số lượng truy cập cùng lúc 50 người (trên lý thuyết) nhưng khi lắp đặt tại môi trường của bạn, số lượng thực tế chỉ mới có 30 người sử dụng trong đó 10 người thường xuyên sử dụng các ứng dụng chat voice như Skype hay Vonage, 10 người chơi các game online đòi hỏi băng thông cao như LOL, B&S hay PUBG và số người còn lại thường xuyên lướt web, xem video chất lượng HD, live stream, … Lúc này, mạng giật lag và bắt đầu xảy ra với vô vàn vấn đề, nào là ping cao, các hoạt động đang dùng bị gián đoạn hay thậm chí người dùng bị “đá” ra khỏi trò chơi hay các dịch vụ mạng đang dùng khác. Đây chính là nghẽn mạng, vì lưu lượng truy cập từ các dịch vụ mà khách hàng sử dụng quá cao khiến đầy hàng đợi và vượt quá khả năng xử lý của các thiết bị Router.
Để khắc phục vấn đề này, điều đầu tiên người dùng hay nghĩ tới là băng thông mạng (gói cước thuê từ ISP) chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Dẫn đến việc người dùng đồng ý chi trả thêm 1 khoản chi phí cao hơn để đăng ký một gói cước với băng thông lớn hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng lại khá tốn kém. Cũng vì lẽ đó, tính năng QoS (Quantity of Service) được phát triển để hỗ trợ những nhà quản lý mạng phòng tránh được vấn đề tắc nghẽn băng thông. Dựa trên sự phát triển của Internet ngày một cao, QoS cũng dần được chú trọng và được tích hợp trên các bộ định tuyến thông thường, điều này hỗ trợ người dùng rất lớn trong việc quản lý băng thông trong hệ thống mạng đang dùng.
Vậy làm cách nào để giới hạn được băng thông?
Trước tiên, bạn cần có một Router hỗ trợ được tính năng QoS. Để biết rõ được điều này, bạn cần xem kỹ thông số kỹ thuật của sản phẩm Router mà bạn muốn mua. Thường tính năng này sẽ được hiển thị ở mục tính năng nâng cao trong bảng thông tin của sản phẩm. Sau khi mua về rồi, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện cài đặt thôi.
- Kết nối máy tính với Router và truy cập trang cấu hình của thiết bị theo đúng thông tin được nhà sản xuất cung cấp.
- Vào mục QoS trong trang cài đặt nâng cao của thiết bị, tiến hành tùy chỉnh băng thông cho các thiết bị sử dụng mạng.
Ví dụ:
Ta đang có một đường truyền với tốc độ 100Mbps tương đương 100,000Kbps. Nhưng trong hình ở phần điền thông tin Tổng băng thông tải lên và Tổng băng thông tải xuống, ta chỉ khai báo thông tin là 80Mbps. Việc khai báo tổng băng thông cho mạng không nên khai báo toàn bộ số lượng băng thông ta có. Việc này liên quan đến vấn đề backup băng thông trong trường hợp mạng bị quá tải xảy ra.
Tiếp đến, người dùng cần lựa chọn loại địa chỉ dùng cho việc giới hạn băng thông trong mạng. Ở đây, TOTOLINK hỗ trợ cả 2 loại địa chỉ cùng hoạt động 1 lúc (IPv4 và MAC). Người dùng cần nhập thông tin địa chỉ IP hoặc MAC, kèm theo đó là băng thông cho phép được sử dụng của thiết bị cần được quy định băng thông. Giới hạn băng thông trên Router Wi-Fi xem như là hoàn tất, để chắc chắn rằng các thiết bị kết nối đến Router sẽ thực thi chính xác các yêu cầu QoS này, người quản trị nên thực hiện Reboot lại Router.
TOTOLINK mong rằng bài viết này sẽ giúp người dùng hiểu thêm về khái niệm băng thông trong mạng và biết được lý do vì sao phải tiến hành giới hạn băng thông trên Router Wi-Fi của mình.