Khái niệm, thuật ngữ cách mạng 4.0 đang được sử dụng rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông và trong cuộc sống. Vậy cuộc cách mạng này thực chất là gì? Nó bắt đầu từ khi nào? Cuộc cách mạng này mang lại những thay đổi gì, lợi ích gì cho chúng ta? Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa về cách mạng 4.0
Khi thuật ngữ cách mạng 4.0 xuất hiện, đã có rất nhiều định nghĩa về nó được đưa ra. Một trong số những thuật ngữ được biết đến rộng rãi là định nghĩa của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu thế giới) và Klaus Schwab (người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới).
Theo đó Gartner cho rằng, cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Còn Klaus Schwab lại có định nghĩa đơn giản hơn. Theo đó, ông nhận định: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Cuộc cách mạng này bắt đầu khi nào và nó diễn ra như thế nào?
Thời điểm nào là lúc bắt đầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0? Và hiện nay cuộc cách mạng này đang diễn ra như thế nào?
Thời điểm diễn ra cách mạng công nghệ thứ 4
Theo như những định nghĩa được đề cập ở trên, bạn đọc có thể thấy cuộc cách mạng 4.0 chính là cuộc cách mạng thứ Tư của nhân loại. Theo đó, nó bắt đầu khi cuộc cách mạng thứ 3 dần “đi vào giai đoạn kết thúc”, không đủ khả năng để phục vụ cho nhu cầu phát triển nhanh chóng của công nghệ trên thế giới. Thời gian diễn ra cuộc cách mạng công nghệ 4.0 từ những năm 2000 khi ranh giới của khoa học, vật lý, kỹ thuật và sinh học bị phá bỏ.
Vậy cuộc cách mạng này diễn ra như thế nào?
-
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, các mảng của cuộc sống. Cụ thể, trong mảng kỹ thuật số, cuộc cách mạng này đã và đang xây dựng và phát triển 3 yếu tố cốt lõi chính. Đó chính là:
-
Trí tuệ nhân tạo (AI)
-
Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)
-
Dữ liệu lớn (Big Data).
-
Bên cạnh đó, nó cũng tập trung vào tìm hiểu, thu thập, nghiên cứu các công nghệ sinh học để tạo ra những phát minh mới, ứng dụng mới. Qua đó tạo nên những bước phát triển nhảy vọt trong đa dạng các lĩnh vực: nông nghiệp, y dược, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu,...
-
Ngoài ra trong lĩnh vực vật lý, cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra: robot thế hệ mới, máy in 3D, công nghệ nano và các vật liệu mới như graphene, skyrmions,…
Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vô cùng “sôi động” nhất là tại các nước phát triển như Mỹ, các nước Châu Âu. Bên cạnh đó, tại một số nước ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Không chỉ vậy, tại 1 số quốc gia đang phát triển, công nghệ số 4.0 cũng đang dần “len lỏi” vào đời sống kinh tế, chính trị,...
Tất nhiên, cuộc cách mạng này cũng đang diễn ra và phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam cách mạng công nghệ 4.0 cũng dần đi vào các lĩnh vực của cuộc sống, kinh tế,...
Lợi ích mà cuộc cách mạng này mang lại
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích, thành tựu to lớn mà cuộc cách mạng công nghệ thứ 4 mang lại cho thế giới. Những lợi ích này cụ thể là:
-
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những phát triển mạnh mẽ, các bước nhảy vọt trong đa dạng các ngành kinh tế :nông, lâm ngư nghiệp, công nghiệp,...
-
Bên cạnh đó , nó cũng giúp tăng hiệu quả sản xuất, năng suất của quy trình, số lượng thành phẩm. Đồng thời nó cũng giúp giảm chi phí sản xuất, sửa chữa và tiết kiệm nguồn lực lao động chân tay.
-
Nhờ có công nghệ số 4.0, con người, nhất là người lao động được cải thiện môi trường làm việc. Sức khỏe của lao động được đảm bảo hơn khi những công việc phải tiếp xúc với môi trường độc hại đã có máy móc làm thay.
-
Bên cạnh đó, nguyên vật liệu được tiết kiệm do ít có sai sót trong quá trình sản xuất, sản phẩm được kiểm soát trong toàn bộ quá trình nên hàng hóa xuất ra thị trường luôn đảm bảo chất lượng.
Những thách thức đi kèm từ cuộc cách mạng này
Mặc dù cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến rất nhiều cơ hội để thay đổi, cải thiện bộ mặt kinh tế toàn cầu. Thế nhưng đi kèm với cơ hội lớn luôn là những tiềm ẩn thách thức không hề nhỏ. Vậy những thách thức mà cuộc cách mạng này đặt ra là gì?
Điều đầu tiên, cách mạng công nghệ này có thể tạo ra sự bất bình đẳng, phá vỡ thị trường lao động. Khi mà máy móc dần dần được sử dụng một cách rộng rãi, các lao động con người sẽ bị thay thế. Điều này khiến cho hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này ngược trở lại sẽ có thể phá hủy cái lợi ích cải thiện kinh tế mà thời kỳ 4.0 đang tạo ra.
Khi mà những bất ổn trong đời sống con người xuất hiện, tất yếu sẽ dẫn đến cả những bất ổn về mặt chính trị bên cạnh yếu tố kinh tế. Theo đó, công nghệ có thể tạo ra những thay đổi về quyền lực, tạo nên những mối lo ngại lớn về an ninh, an toàn của hệ thống quốc gia. Khoảng cách giàu nghèo cũng theo đó mà gia tăng một cách chóng mặt, tạo nên 1 làn sóng bất ổn khổng lồ trên toàn cầu.
Cuối cùng, sức mạnh của Internet trong thời kỳ 4.0 cũng đặt con người vào:
-
Nỗi lo sợ lộ thông tin cá nhân
-
Những đe dọa về thông tin tài chính, sức khỏe ,...
Chúng ta không thể không cảm ơn sự xuất hiện của cách mạng 4.0 và ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của nó. Tuy nhiên mỗi quốc gia khi hòa mình vào làn sóng công nghệ này, trong đó có Việt Nam cần có cái nhìn thấu đáo về những cơ hội và thách thức được đặt ra. Như vậy chúng ta mới có được sự phát triển mạnh mẽ nhưng không tạo ra những bất ổn, mất cân bằng đáng tiếc trong kinh tế, chính trị.